Thứ Tư, 7 tháng 1, 2009

Góp ý đầu năm: Cải cách hệ thống ngân hàng

Lâm Võ Hoàng
Hệ thống ngân hàng bao gồm : Ngân hàng Trung Ương (ngân hàng nhà nước hiện nay) và các loại ngân hàng kinh doanh như Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư... (tổ chức tín dụng hiện nay). Ngân hàng Trung ương là ngân hàng của Nhà nước có nhiệm vụ đặc thù là phát hành giấy bạc, quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng mang danh nghĩa ngân hàng. Tức là loại trừ các tổ chức tài chánh như các Quỹ Đầu tư, Công ty chứng khoán.. thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chánh. Bởi lẽ chỉ có các ngân hàng mới được nhận tiền ký thác của công chúng, kể cả các ngân hàng đầu tư được nhận ký thác trung hạn và dài hạn, còn ký thác vãng lai, ngắn hạn và tiết kiệm, thì dành cho các Ngân hàng thương mại (ký thác không kỳ hạn, có kỳ hạn và dưới mức ký thác trung hạn). Ngân hàng thương mại nói chung chủ yếu thuộc các tư nhân nhưng nhà nước nếu có nhu cầu đặc biệt có thể lập ngân hàng thương mại, bình đẳng với các Ngân hàng thương mại tư nhân.
Vì có liên quan mật thiết với công chúng là đối tượng bảo vệ đặc biệt của luật pháp ngân hàng, nên các loại ngân hàng thương mại có qui chế hoạt động chặt chẽ và được kiểm soát thường xuyên. Còn các Quỹ Đầu tư, thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chánh, chỉ sử dụng vốn của các thành viên hùn vào, để đầu tư tham gia vốn của các doanh nghiệp có triển vọng. Công ty chứng khoán gắn liền với thị trường chứng khoán, nên thuộc quyền kiểm soát của Bộ Tài chánh, vì hoạt động của thị trường và công ty chứng khoán có tính chất tài chánh, chứ không phải tiền tệ như các tổ chức tín dụng. Nếu có thể, Bộ Tài chánh cần nắm luôn các đối tượng hoạt động chứng khoán, chứ không để khơi khơi dưới quyền của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Chừng đó, hoạt động tiền tệ và hoạt động tài chánh mới được phân biệt rạch ròi và mỗi bên mới tập trung quan tâm chặt chẽ hơn các đối tượng dưới quyền kiểm soát của mình.
Ngân hàng nhà nước hiện nay là một Bộ (phải chăng để cho oai ?) nhưng không thực hiện hoàn toàn nhiệm vụ đáng lý phải có, như đã được nêu ra 20 năm trước đây trong đề án “Đổi mới căn bản ngân hàng” của một nhóm nhỏ chuyên viên ngân hàng, hợp tác với các chuyên gia ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ theo yêu cầu và chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nay thời gian đã trôi qua, nhưng vẫn còn kịp để thật sự “đổi mới căn bản ngân hàng”, như chỉ đạo lúc ấy của vị lãnh đạo quá cố, một số cải cách cần được mạnh dạn tiến hành để đổi mới tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trước khủng hoảng, suy sụp tài chánh kinh tế, tiền tệ thế giới. Bằng không, chúng ta khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng tài chánh, kinh tế, ngân hàng do chính chúng ta tạo ra, cộng hưởng thêm vào khủng hoảng từ bên kia chân trời, nổi cộm là hằng triệu tấn lúa của nông dân, gần Tết rồi mà vẫn còn nằm ỳ đó, như những bà cô lỡ thời.
Để thực hiện sự “vùng dậy cần thiết” đó và với tin tưởng của người viết đối với ông đương kim Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, mà người viết được biết là một cán bộ tài ba xuất thân từ ngân hàng huyện, trải qua các nấc, lên tới vị trí Bí thư Tỉnh ủy, rồi Thống đốc hiện nay, sự “vùng dậy” ấy là khả thi, như đổi tuyển bóng đá Việt Nam mới đây dưới quyền ông Calisto, miễn sao được ủng hộ hết mình của Chính phủ như ông Sáu Dân năm xưa.
- Trước hết, vai trò Thống đốc Ngân hàng Trung ương phải được quyền tự chủ rộng rãi để ứng biến với mọi tình thế có liên quan đến tiền tệ, tín dụng trên mọi mặt trận, không chỉ ngân hàng mà còn thương mại, tài chánh, đầu tư, xã hội.. Cho nên không thể ngồi giữa triều ca mà chỉ huy chiến trận. Để giảm thiểu sự hy sinh, Thống đốc có thể giữ hàm Bộ trưởng, có quyền tham dự hội nghị Chánh phủ hằng tháng khi cần. Chủ yếu là được gặp thường xuyên Thủ tướng để trao đổi và tranh thủ sự ủng hộ đối với mọi đề xuất quan trọng và cần thiết. Hơn thế nữa, những liên lạc thường xuyên với Ban Kinh tế Trung ương Đảng để báo cáo, giải thích, cung cấp thông tin, tranh thủ sự ủng hộ, đó là mấu chốt thiết yếu, nếu thực hiện được.
Mặt khác, thông lệ quốc tế là khu vực ngân hàng có qui chế lương bổng và an sinh khả quan để nuôi dưỡng lòng tận tụy của cán bộ công nhân viên, (như đãi ngộ trước đây của chế độ cũ), ít ra không cách biệt quá đáng với khu vực các tổ chức tín dụng hiện nay.
- Kế đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần đổi danh xưng, như đề nghị mới đây của Tạp chí Ngân hàng tháng 12.2008, thành Ngân hàng Trung ương Việt Nam, để từ đó thể hiện vai trò Ngân hàng mẹ của các ngân hàng kinh doanh, cũng như bản thân thực sự hoạt động như môt ngân hàng tự chủ, chớ không phải như một cơ quan Chính phủ, nhiều ràng buộc bất ưng, “có tiếng chớ không có miếng”.
Cụ thể, trong vai trò mới, Ngân hàng Trung ương, qua hệ thống các Ngân hàng kinh doanh (tổ chức tín dụng) trực tiếp cho vay thu gom lúa mùa vụ của nông dân, mùa cá, mùa cà phê..., hoặc cho vay mua đất xây nhà tái định cư, hoặc đền bù giải tỏa “tiền trao cháo múc” (giao đất).
- Cuối cùng, qui luật tự nhiên, xây dựng đổi mới hệ thống thanh tra ngân hàng bản chất hoàn toàn khác với thanh tra các ngành khác là có lỗi rồi mới thanh tra. Ở đây ta thanh tra thường xuyên, xem xét từng hồ sơ cho vay của mỗi ngân hàng để sớm phát hiện các sai sót hoặc gian lận, mặt khác chấm điểm các hồ sơ tốt để các ngân hàng có thể đem thế chấp, khi thiếu thanh khoản. Vì từ nay ta cấp vốn hay tái cấp vốn đều trên cơ sở tái chiết khấu các hồ sơ tín dụng đạt tiêu chuẩn an toàn. Ngoài ra, ta sẽ thay đổi cách ấn định tỷ giá ngoại tệ, bằng cách ta ấn định tỷ giá chuẩn mà ta sẵn sàng mua hay bán trong ngày hôm đó với các ngân hàng. Như vậy lần hồi ta sẽ thể hiện tốt đẹp hơn vai trò ngân hàng mẹ của các ngân hàng hoạt động trong nước, kể cả ngân hàng nước ngoài. Từ đó với những thông tin trực tiếp, chính xác, là nắm tốt hơn tình hình hoạt động kinh tế, tài chánh của đất nước và điều chỉnh thích hợp hơn chính sách tiền tệ, ngoại hối vi mô và vĩ mô của Chánh phủ mà ta sẽ là một cố vấn đáng tin cậy.
Tóm lại, “kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sắt gang”, mặt trận tiền tệ, tuy là tương đối có quy củ, nhưng vẫn mong manh, nếu không biết tranh thủ đồng minh, bắt đầu từ trong nhà. Ta cần tái lập lại Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Việt Nam (thay vì duy trì Hội đồng tiền tệ mà chưa ai nghe có được tích sự gì) ít ra theo mô hình của Pháp lệnh ngân hàng 1990, theo đó với Thống đốc là Chủ tịch, sẽ gồm một số đại diện các Bộ có liên quan mật thiết, một số chuyên gia tài chánh ngân hàng, đặc biệt với đại diện Bộ Tài chánh làm giám sát thường trực, không biểu quyết để bảo đảm vô tư, nhưng có quyền xem xét mọi hồ sơ và đòi hỏi mọi giải thích. Báo cáo giám sát được gởi cho Thống đốc, Bộ trưởng Tài chánh và Thủ tướng, hằng tháng, hay thời kỳ. Với ê kíp ấy, Ngân hàng Trung ương sẽ mạnh dạn tiến lên, cũng như sẽ tránh được nhiều chủ quan sai sót, bảo đảm ngày ra đi, ta chỉ sẽ lên, chớ không cay đắng.

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

Suýt đói trên núi gạo

Lâm Võ Hoàng

Cơn khủng hoảng “bão táp trong tách trà” của giá gạo ăn nội địa đã đẩy nước ta vào tình cảnh một xứ hoang tưởng, như trong phim xưa : “Alice trong xứ huyền ảo”, nơi có đồng hồ chạy ngược thời gian. Cách nay một số báo, trên CGvDT, có tiếng kêu trời vì lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long không ai chịu mua giùm, nhứt là các nhà xuất khẩu chờ giá lúa xuống tới đáy, trong khi giá gạo thế giới tăng vù vù ở con số không thể tưởng tượng. Bây giờ tới phiên nước ta bị ám ảnh bởi cảnh tượng dân Mỹ nối đuôi mua gạo với giá tăng vọt không ngớt, bèn cám phận mình, tránh sao cho khỏi.

Rồi khi nghe tiếng đồn thổi từ lối xóm, liền rùng rùng đua nhau mua gạo trữ. Chỉ chờ có thế, như có ai nhận nút, các bên bán rùng rùng găm gạo hoặc bán theo giá tăng từng giờ, hoặc nghỉ bán, nhà máy xay hoạt động cầm chừng, các đầu mối cung cấp các địa điểm bán lẻ thông báo hạn chế giao hàng. Các siêu thị xưa nay được tiếng giàu vốn, giàu hàng, bán nhỏ giọt mỗi người 10kg và cũng bắt chước găm dự trữ, có nơi quên mình là “anh hùng” (!) cũng hành động như ai nấy, tức là cũng găm dự trữ.

Như vậy nguồn gốc nguyên nhân khủng hoảng giá gạo vừa qua không chỉ là lời đồn thổi, dù gì đi nữa cũng không đủ sức mạnh kéo mọi người ra khỏi nhà chầu chực mua được gạo bất cứ giá nào. Có nhà mua trữ cho tới 300kg. Hơn thế nữa, giá càng tăng cao, càng kích thích người tiêu dùng mở rộng hồ bao, trái với qui luật kinh tế thông thường. Vì cái gì đều có thể nhịn được, trừ cơm. Cho nên từ ngàn xưa có câu vè : “Nhứt sĩ, nhì nông, hết gạo chạy rông, nhứt nông nhì sĩ” và “củi quế gạo châu” tức là giá gạo có thể tăng bằng giá trân châu, mà mua được cũng thấy có phúc.

Vì vậy, chớ nên mắc công tìm kiếm ai là tác giả những lời đồn thổi. Hàng xóm chỏ miệng qua rào hỏi thăm “đã mua gạo chưa?” cũng là lời đồn thổi khiến cho ai chưa mua được (vì thiếu tiền, thiếu thì giờ chen lấn, chầu chực…) đều rộn rã trong lòng, như thuở nhỏ, nghe tiếng trống chầu giục giã của đám hát bội cung đình.

Thế thì trong nhiều nguyên nhân, nguyên nhân nào là chủ yếu ? Đó là thiếu vắng lời trấn an kịp thời của những người trách nhiệm.

Không ai lên tiếng kịp thời rằng “chúng ta đang ngồi trên núi gạo, gần một triệu rưỡi tấn “qui ra gạo”, chớ có ít đâu”. Nói như vậy, ắt không khỏi có người bẻ lại : “Gạo đó để dành cho xuất khẩu đã hợp đồng rồi, ai đụng tới rủi có gì, ráng chịu trách nhiệm !” Tuy nhiên, như mọi việc, chuyện hòng tính đem gạo dự trữ của người ta ra dập tắt “bão giá gạo”, không đơn giản. Còn vấn đề giá cả nữa chứ ! Giá cả quốc tế vọt lên tới nóc nhà, bắt tôi phải bán ra với giá vốn hồi mua vào, nghe sao thông ? Nhứt là đối với “người trong nhà” với nhau ! Thành ra chỉ hô hào, trấn an, hăm he, chớ không có hành động cụ thể, như bên Mỹ cháy rừng, người ta từ trên máy bay, trút nước ào xuống đất cả chục, cả trăm mét khối mỗi lần.

Ngoài ra còn có bọn chuyên rình thời cơ, vung tiền “kinh doanh gạo”, ngoài chức năng, chuyên nghiệp, chỉ quậy phá thị trường, từ chứng khoán, bất động sản, đến hàng hóa, hốt bạc rồi rút lui, để lại trên chiến trường đầy xác đồng bào nghèo. Thật khủng khiếp khi giá gạo (cần ăn tối thiểu ngày hai bữa) tăng vọt 200, thậm chí 300% trong vòng vài hôm. Trong khi phản ứng đối phó của ta quả thật chậm chạp. Trong khi trong chiến tranh ta tài tình ngoài sức tưởng tượng : bất cứ chiến lược chiến dịch nào của Mỹ, ta đều phá vỡ tan nát. Không phải chỉ nhờ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, mà chủ yếu là nhờ bao ngàn ngày chống ngoại xâm là bấy nhiêu ngàn ngày cảnh giác, thức tỉnh và sẵn sàng.

Giờ đây thái bình thịnh trị, ta quên rằng có cái chết ngọt ngào, không tên, hoàn toàn khác với những gì đã biết và trải qua. Bây giờ quốc doanh chỉ lo cho doanh số, lợi nhuận của mình, hơn bất cứ tên tư bản gớm ghiếc nào của năm xưa. Họ nắm mọi phương tiện, nhưng khi lâm trận họ lo giữ kho của họ, bỏ mặc chiến trường cho lãnh đạo và quần chúng xoay sở. Có gì, họ dư phương tiện để chạy tội. Kinh nghiệm “bão giá gạo” vừa qua cho ta thấy bài học của An Dương Vương vẫn còn đó. May là hồng phúc đất nước ta chưa cạn kiệt, cho nên bài học chỉ “nhá lên” để nhắc nhở, chớ chưa đi tới, còn khuya mới tới, kết cục của bố con Mỵ Châu.

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1655, ngày 2/5 - 8/8/2008)

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

Vị đắng dâng trào

Lâm Võ Hoàng

Đọc bài “Bớt xuất khẩu để kềm giá gạo” (Tuổi Trẻ 4.4) ghi lại ý kiến của ông Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, người viết không thể không cảm thấy một vị đắng dâng trào. Ông nói trơn tru như một “em xi” (người dẫn chương trình), chuyên nghiệp. Ai nghe ông, tin ông ắt sẽ thấy khỏe khoắn như ngồi trong “tứ phương vô sự lâu”. Nào là “Tôi khẳng định giá gạo xuất khẩu sẽ ở mức cao kéo dài trong nhiều năm tới, càng chậm xuất khẩu gạo, càng có lợi về giá (?)… giá thành sản xuất lúa có tăng nhưng hiện bình quân chỉ khoảng 2.000 – 2.200 đồng/kg, trong khi giá bán lúa cao hơn nhiều lên tới 4.200 – 4.300 đồng/kg, như vậy người làm lúa được lãi gấp đôi rồi” (!).

Thế nhưng, ngay dưới bài của ông, là mẩu tin “giá lúa giảm nhẹ” của Ngọc Diện, được in trên nền màu hồng : “Những ngày qua giá lúa ở khu vực ĐBSCL có dấu hiệu chững lại, có nơi giảm 200 – 300 đồng/kg so với tuần trước. Cuối tháng trước giá lúa dài thường dao động từ 4.300 – 4.500 đồng/kg, thì chiều 3.4 ở An Giang, Cần Thơ, chỉ còn 4.200 đồng/kg… (thậm chí) tại Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thương lái mua lúa dài thường tại sân phơi của nông dân chỉ với giá 4.000 – 4.100 đồng/kg. Tình trạng tranh mua cũng không như trước, trong khi người dân rất cần bán lúa để tái đầu tư cho mùa”.

Về ảnh hưởng của việc tăng giá vật tư nông nghiệp, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, gióng lên một tiếng chuông hoàn toàn khác với tiếng chuông “nào ta hãy mừng vui!” của ông Chủ tịch tác giả của “người làm lúa được lãi gấp đôi rồi”. Thật vậy một đằng nói chung chung, không kèm theo ngày tháng của giá cả trong khi giá quốc tế, giá nội địa nhảy choi choi hàng ngày, thậm chí hằng giờ, đằng khác nói có chừng mực, có ghi chú ngày tháng của giá, có nêu rõ địa chỉ và loại lúa mua bán, chớ không phải lúa nào như lúa nào. Rõ ràng người ngồi trong bàn giấy thấy, biết và nói khác người tại chỗ hay ở trận tiền. Do vậy mới có chủ trương “bớt xuất khẩu để kềm giá gạo”, chủ trương này có lợi, gây hại cho ai?

Bớt xuất khẩu gạo, để làm gì?

Theo ông Chủ tịch, từ đầu năm tới giờ, ta chỉ giao được 800.000 tấn gạo trên 1.800.000 tấn đã ký và trong hai tháng tới phải giao một triệu tấn đã ký còn lại. Trong tình hình “lúa đông xuân đâu còn nhiều mà ký”, liệu các nhà xuất khẩu 1.000.000 tấn gạo còn nợ hợp đồng, có đủ tồn kho để giao hàng hay chưa? Hỏi như vậy không có nghĩa làm “gái góa ngày đêm lo việc thành đổ” (mặc dù) đã có vua xây”. Vì số lượng gạo phải giao hàng, nếu chưa đủ tồn kho, ắt phải trông cậy vào vụ mùa hè thu phía Nam vốn không như vụ đông xuân, thường gặp trắc trở do thời tiết, cũng như lũ chụp chẳng hạn, và vụ mùa đông xuân phía Bắc còn đang trên đà khôi phục toàn bộ diện tích sau đợt rét đậm vừa qua đã làm lúa chết hết. Nếu thời may mà “1 triệu tấn nữa phải giao trong hai tháng tới” đủ tồn kho và các doanh nghiệp chỉ cần “tập trung giao hàng” mà thôi thì vụ mùa hè thu trong Nam có thể lo cho phần chỉ tiêu tối thiểu còn lại của xuất khẩu gạo 2008, tức là 3,5 – 1,8 = 1,7 triệu tấn không khó tìm hợp đồng ký kết, vì thiếu gạo toàn cầu.

Như vậy ẩn số là số tồn kho thực để giải quyết số 1 triệu tấn gạo đã hợp đồng. Nếu khác với ước mong trên đây, tức là do tồn kho chưa đủ, mà các doanh nghiệp vẫn không ra tay mua vào cho đủ số, thì vụ mùa hè thu, vốn thất thế hơn đông xuân, khó có thể cõng trên lưng gầy hai mạng được và từ đó những bất cập khó lường cho xuất khẩu, thậm chí tiêu dùng gạo trong nước, như ở Thái Lan chẳng hạn. Do đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam phải công khai số tồn kho thực tế dành cho một triệu tấn phải giao trong hai tháng tới. Bằng không dư luận có thể nghĩ rằng Hiệp hội đang chơi ván bài nào đó, như Khổng Minh tọa lầu năm xưa, bày ra chuyện bớt xuất khẩu để chờ sụt giá lúa nhiều hơn nữa mới ra tay mua vào để trả nợ. Vì một triệu tấn đâu có nhỏ. Cả hơn ba tháng từ đầu năm mà mới chỉ giao được 800.000 tấn, làm sao trong điều kiện “lúa đông xuân đâu còn nhiều”, vụ mùa hè thu “mới gieo sạ được khoảng 100.000ha”, giao đủ một triệu tấn trong hai tháng?

Mặt khác, người ta có thể nghĩ việc chưa vội mua vào không chỉ chờ lúa sụt giá thêm nữa, mà còn lý do khác để chậm mua là đỡ tiền lời ngân hàng, đỡ tiền kho vựa (nông dân giữ giùm), đỡ chim chuột hao hớt… Tới chừng “xả cảng” lúa gạo sẽ chạy vào tay Hiệp hội, chớ có đi đâu mất mà sợ?

Kềm giá gạo để làm gì?

Nước ta xuất khẩu gạo hạng nhì thế giới, nhưng nông dân ta vẫn nghèo. Vì ai cũng biết nông dân nếu không làm ruộng để tạo ra lúa gạo nuôi sống xã hội thì không biết làm gì khác. Chính vì biết như vậy mà mọi người tha hồ khai thác thất thế đó. Gánh nặng tiền lãi vay vốn ngân hàng và tý nhn bên ngoài, vật tư nông nghiệp không ngớt tăng giá, đã thế, trong môi trường u ám của xã hội nông thôn, với đủ thứ kềm kẹp và hàng chục khoản đóng góp ngoài nghĩa vụ thuế má... nông dân ta còn phải chờ bán được lúa mới có thể đầu tư cho mùa vụ mới. Đối với nông dân có một luật thép là giá lúa thấp cao gì cũng phải bán, vì nhà không đủ chỗ ở, có đâu chỗ chứa lúa chờ thời? Mặc dù vậy, khi gạo ra đô thị, do giá vượt quá sức mua của người dân ở đó, thì tiếng oán lại đổ xuống nông dân “ăn gạo không mất tiền”, cho nên mới có chánh sách kềm giá gạo.

Cục dự trữ quốc gia ở đâu rồi?

Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới, gấp 15 lần Việt Nam, thế mà họ có Cục dự trữ quốc gia về gạo, hữu hiệu đến độ còn biết đưa gạo mục, mốc, hư sang bán ở các nước khác để thu hồi vốn. Không nghe nói dân họ bị đói kém, cho dù có đói kém thật. Vả chăng nếu họ thực sự đói kém, thì tại sao họ lại có gạo mốc thừa để đưa đi bán? Còn Cục dự trữ an toàn quốc gia của ta được sinh ra để làm gì, đã làm gì, mà Chánh phủ, thậm chí ông Chủ tịch Hiệp hội lương thực, phải lo “bớt xuất khẩu để kềm giá gạo” ? khiến cho nông dân bán không được lúa, làm lúa rớt giá trong khi Nhà nước thương dân cứ lo dân thiếu gạo ăn, đành phải bao cấp và phải giải quyết chuyện no đói của dân một cách tréo ngoe.

Tóm lại, như Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: “Hiện nay một số nơi giá lúa bắt đầu giảm, nhưng giá vật tư nông nghiệp lại tăng quá cao. Lúc trước, khi thấy giá lúa tăng, nông dân rất vui vì cân đối được giá vật tư nông nghiệp. Nhưng bây giờ bà con lo lắng trước vụ hè thu mới. Nhưng vài ngày qua, rất ít người mua lúa và giá lúa lại giảm” (không biết lấy gì đầu tư cho vụ hè thu).

Rõ ràng đây là một vị đắng dâng trào của một đứa con ĐBSCL, thuở bé bãi trường theo mẹ lên ruộng sống trong môi trường lam lũ nhà nông. Bây giờ già rồi mà vẫn phải kêu trời. Không mấy thuở trời cho giá gạo thế giới tăng cao để nông dân ta vừa có thể âu ca bán lúa, phục vụ xuất khẩu gạo, vừa cân đối tăng giá không ngừng của vật tư nông nghiệp, vừa đóng góp tăng cường, bình ổn số lượng gạo hàng hóa trên thế giới, gián tiếp làm giảm áp lực giá gạo tăng vọt ở các nước nghèo nhập khẩu gạo vì không biết trồng lúa. Thế nhưng do sự tắc trách của các bộ phận liên quan, chỉ biết ký giấy, chớ không nắm tình hình giao dịch sản lượng lúa gạo, cứ phú thác mọi sự cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khiến cho nông dân bơ vơ như gà mất mẹ, đành phải cam chịu, không những mất trớt hướt phần lợi lộc trời cho, mà còn lo âu, ngày đêm lậy trời cho sớm bán hết lúa để có tiền trả nợ và mua lúa giống, phân bón v.v... đầu từ gấp cho vụ mùa hè thu sắp đến. “Thật là một thiệt thòi lớn đối với nhà nông” (T.S Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL).

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1653 18/04/2008)



Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Những điều trông thấy

LÂM VÕ HOÀNG

Đây là những điều đã qua khá lâu và những phản ứng cũng không phải ít. Tuy nhiên vẫn còn có chỗ để bàn thêm rốt ráo, thậm chí chạm vào những động cơ căn bản, xuất phát điểm của những điều không khỏi “đau đớn lòng”, khi hướng về tương lai mà “những điều trông thấy” ấy có thể dẫn dắt.

Đó là đóng dấu còn nợ trên văn bằng tốt nghiệp đại học của những sinh viên ưu tú, chỉ vì mắc tội nghèo phải xin vay tiền từ lòng tốt của nhà nước và tội cô thân thất thế, nên chưa sớm kiếm được việc làm tốt lương cao, để trong một năm, trả nợ vay ăn học của 4 hoặc 5 năm.

Đó là quyết định cấm xe ba gác, xích lô, hàng rong… mà tuyệt nhiên chưa có đối sách đền bù, hỗ trợ công ăn việc làm mới.

Đó là phổ cập chế độ lãnh lương qua máy trả tiền ATM, không phân biệt lương hậu hĩnh hay còm cõi.


Đóng dấu còn nợ trên văn bằng đại học

Nước ta tuy nhỏ bé, nhưng từ ngàn xưa nhờ trọng học, có tầng lớp sĩ phu tổ chức xây dựng, điều hành đất nước với đầy đủ rường rột vững vàng, dựa trên nền tảng đạo đức khôn ngoan : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tới muôn ngàn đời sau vẫn có giá trị tu thân tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, kể cả sau khi tiếp thụ văn hóa, khoa học kỹ thuật duy lý của Tây phương.

Nhờ trọng học và có học, dân ta sớm vĩnh viễn thoát khỏi cảnh ăn lông ở lỗ, có đạo đức xã hội và bản thân, nên sớm tạo được hồn dân tộc, yêu nước, thương nòi, khao khát độc lập tự do, giữ thể thống trong mọi hoàn cảnh, biết cân bằng tương quan lực lượng, tuy ở phía dưới nước lớn mà không hề bị đồng hóa và vẫn giữ được cá tính, bản sắc dân tộc cho đến ngày nay.

Thế đấy, nhưng tại sao những “cử nhân” trước đây được cờ quạt, võng lọng đưa về làng “ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” bái tổ vinh qui rỡ ràng, mà nay, chỉ vì chưa có điều kiện trả nợ vay đi học (có thấm vào đâu so với tiền ném qua cửa sổ của lũ con cái thất học, hư hỏng của bọn tham quan), những cử nhân, kỹ sư, thậm chí bác sĩ phải đau đớn nhận tấm bằng có đóng dấu còn nợ. Văn hóa đâu? Văn minh đâu? Học thức đâu?

Dù cho “người phàm mắt thịt” tới đâu, cũng phải thấy họ đã đáp ứng xuất sắc yêu cầu cơ bản đầu tiên của món nợ vay là từ một học sinh non nớt (dù sao cũng là tú tài !) họ đã trở thành một trí thức chuyên viên, một sĩ phu trẻ của đất nước, thậm chí thế giới (không thể phủ định giá trị văn bằng đại học của họ) đủ sức đóng góp hữu hiệu cho đất nước, dân tộc, nhân loại. Đồng tiền tuy quý nhưng chưa to bằng bánh xe, có phải như thế không ?

Vậy thì, động cơ nào thúc đẩy đến chỗ đành đoạn chủ trương đóng dấu “còn nợ” trên văn bằng quý báu của người ta và nhằm mục đích nào ? Phải chăng vì bất lực buộc người ta phải trả nợ, bất lực do non kém kinh nghiệm, bản lĩnh hành chánh pháp lý, người ta đành viện đến việc đóng dấu vào văn bằng, khiến cả nước ngỡ ngàng.

Cấm xe ba gác và hàng rong

Báo chí đã phản ánh khá đầy đủ nỗi thống khổ tuyệt vọng của tầng lớp phải cật lực lao động, hơn cả những người mang danh lao động, để kiếm miếng sống cho gia đình và góp phần gầy dựng con cái thành người có học, hữu ích cho đất nước mai sau. Tuy đã được nhà nước chiếu cố cho lùi hạn định đến 6 tháng nữa, nhưng vấn đề vẫn sẽ y nguyên. Vì chắc gì trong 6 tháng đó, có đầy đủ chính sách đền bù, hỗ trợ, giúp đỡ những người sẽ thất nghiệp vì bị bít đường sinh nhai mà chưa thấy bất cứ lối thoát nào, nói chi lối thoát khả thi.

Hầu như bên trên, như người “cõi trên”, chưa xác định được trọng lượng kinh tế và dịch vụ xã hội của họ, nên coi vấn đề cấm như không. Theo báo chí, những xe ba gác linh hoạt chui vào các hẻm sâu đã giải quyết được 70% rác của thành phố Hồ Chí Minh. Cấm họ rồi xử lý rác như thế nào đây ? Hay là chỉ biết phạt. Xin nhớ, việc giải quyết nón bảo hiểm nằm trong tầm tay người đi xe máy. Còn rác chỉ có thể do nhà nước giải quyết mà thôi.

Còn hàng rong là ân nhân cứu khổ cho những người thu nhập thấp là chủ yếu. Người viết mỗi ngày ngồi đọc báo trước cửa nhà, với 10.000 đồng có thể ăn năm món quà sáng no tới trưa, thường khi ăn 2000đ xôi khúc là đủ bữa điểm tâm. Không kể “chợ lưu động” của mấy chị đi xe đạp có đủ cá, thịt, rau, gia vị. Không thể chối cãi họ là nét văn hóa đặc thù của đất nước mà cho tới cả Tây cũng không chê. Hơn thế nữa họ là nguồn gốc duy trì truyền thống ngon lành của ẩm thực bình dân vốn là khuôn mặt thật của đất nước. Họ mà biến đi, thì bộ mặt đô thị sẽ biến dạng liền.

Thế tại sao lại cấm họ ? Có khả năng là ta hay sính bên Tây, bên Mỹ, hay trên thế giới, mà quên rằng bên họ cũng có bình dân sản xuất tiêu thụ hàng bình dân, với thu nhập bình dân. Ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo. Bên ta có những người cực giàu, xuất thân, hoặc có ảnh hưởng đến giới hành chánh, nên tưởng ai cũng như họ, ăn xài đắt tiền tối đa, đôi giày, cái bóp đầm trên 20 triệu là bình thường, ra đường là xe hơi, tài xế, màn che sáo phủ, muốn cho môi trường sống của họ phải giống y như các nước kia và đâu đâu cũng phải là Phú Mỹ Hưng. Xe ba gác, hàng rong chỉ làm bẩn bộ mặt thành phố.

Trong khi đó lại không thấy rằng chính lối công tác quan liêu tắc trách làm cho đường phố đầy ổ voi, cống không nắp, nước ngập lôi rác dưới cống trôi lềnh bềnh… mới làm xấu, bẩn bộ mặt thành phố. Trong khi một chị hàng rong nở nụ cười mời mọc du khách là đủ làm cho người này thấy đất nước ta đẹp và nhớ hoài. Ta phải tự sửa mình, trước khi qui tội cho đám nhà nghèo.

Lãnh lương qua ATM

Cũng vì sính máy móc ngoại, nên ta chủ trương lãnh lương qua ATM, không dè số ATM không thể đủ để phục vụ cho số người bắt buộc phải sử dụng nó. Ngoài ra nó cũng trục trặc hoài, thậm chí nuốt thẻ của người ta, ghi trả, nhưng không đưa tiền ra. Khiếu nại thì giải thích vòng vo, bảo chờ giải quyết máy…

Cũng vì quá sính, nên quên rằng đa số người bắt buộc phải lãnh lương qua ATM, sẽ rút hết một lần số lương còm không đủ sống của mình. Họ sẽ mất nhiều thì giờ chầu chực tới phiên, hoặc chưa quen và rành máy móc, không thể không gặp sự cố mà họ luôn là người có lỗi. Hơn nữa tới được cái máy ATM, phải kiếm chỗ để xe, mất tiền gởi sẽ làm cho họ tiếc cái thiên đàng lãnh lương tại chỗ làm bằng tiền mặt, đem về liền cho bà xã hoan hô.

Tóm lại tiến bộ không ai không muốn. Nhưng muốn cái tốt nhất mà mình hoàn toàn không có khả năng dù trong tương lai dài, như sạch bằng Singapore quả là không lượng sức mình và làm khổ cho dân mình. Ta cứ coi các nước láng giềng tiến bộ hơn ta, như Thái Lan chẳng hạn, họ cấm gì, còn cho phép gì, ta cứ bắt chước y như họ là không lầm đâu. Trung Quốc đệ tam cường quốc kinh tế thế giới mà vẫn đầy những tồn tại của xa xưa. Cứ đi một vòng Thượng Hải, Thẩm Quyến thì sẽ thấy đầy xe ba gác nhỏ, phơi áo quần treo đầy. Ta hãy qui định rõ ràng trước, còn tác hại ta mới cấm, kẻo tội cho dân lắm!

Báo Công giáo và Dân tộc số 1640

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007

Con có mến thầy không? Hãy làm kinh tế tốt.

Đói và nghèo, cũng như xóa đói giảm nghèo không chỉ là vấn đề đặt riêng cho thành phố ta, cũng không phải là của riêng nước ta, mà của toàn thế giới, ngay ở tại Nữu Ước. Mức độ đói và nghèo về mặt khách quan, có khác nhau giữa người đói và nghèo ở Phi Châu và ở phương Tây, nhưng về mặt chủ quan, đói và nghèo ở bất cứ đâu, đều được cảm nhận bởi một sự thống khổ như nhau. Giữa người đói và nghèo ở Châu Á và người nghèo ở châu Au, sự tương phản có thể gần như toàn diện giữa người hầu như “trần truồng” và người “hình như khá giả” có đầy đủ trên mình những thứ cần thiết cho người lành lặn: áo quần, giày dép v.v… Nhưng người đói nghèo ở A châu, như ta thường gặp ở nước ta, thành phố ta, dù sao cũng còn có nụ cười trên môi, còn có niềm hy vọng vào quy luật sống: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, vào sự bố thí giúp đỡ của người qua đường, của những người từ bé đã được nung đúc truyền thống nhân ái của dân tộc như trong lời Gia huấn ca của Nguyễn Trãi:
“Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà,
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng : “Đây cần kiệm, gọi là làm duyên”.
Nay ta ở chốn bình yên,
Còn người nghèo khó, chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói, tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”.
Khác với sự tuyệt vọng của những “người nghèo mới” vào ngày mai, vào sự tương thân tương ái của một xã hội thành đồng vách sắt, tổ chức siêu hợp lý, siêu hiệu năng, không có chỗ đứng, đúng hơn, dành chỗ đứng ngoài lề, cho người thất thế.
Nhưng biết sao? Mỗi thời đại là một đoạn đường mà nhân loại phải trải qua, dù cho phải đau đớn rời bỏ bóng dâm mát bên bờ ao lặng lẽ nơi làng quê, để đi tới những cao ốc chọc trời, trong những khu phố không có cây cối, thậm chí, ánh sáng mặt trời (qua giờ đúng ngọ). Ngay cả người da đỏ ở châu Mỹ cũng phải cố gắng đi tới như vậy, để khỏi bị âm thầm tiêu diệt bởi luật đào thải tự nhiên. Mỗi thời đại có cái khắc nghiệt riêng của nó. Nhưng khắc nghiệt đó là cái giá phải trả để hưởng cái hương vị ngọt bùi của tiến bộ vật chất, theo cái lôgic của định mệnh đã dành sẵn cho con người là người chủ thụ hưởng vạn vật trên trái đất, trong vũ trụ.
*
* *
Khám phá, tìm hiểu, nắm bắt lãnh địa của mình, con người phải khai thác để hưởng dụng, hưởng dụng chung, hiện thực hoá lời hứa ngày xưa của Thiên Chúa với giòng giống Abraham, đại biểu của nhân loại ngày nay. Đó là vai trò của khoa học kinh tế và kỹ thuật kinh doanh, cũng như của những nhà khoa học kinh tế, những nhà lãnh đạo kinh tế chính trị và những thủ lĩnh kinh doanh, mà thời đại đã cơ hồ biến thành một loại mục tử chăn chiên mới. Không đối kháng và đi cùng hướng, cùng bước, đồng thời có tác động qua lại, với các mục tử chăn chiên “thủ kho” của sự thánh trong trần gian.
Hơn bao giờ hết, chữ “kinh tế” bao hàm ý nghĩa gốc “kinh bang tế thế” và “nhà kinh tế” có vai trò “thế thiên hành đạo” rõ nét như ngày nay. Kinh tế ngày nay có chiều kích vừa cộng đồng vừa quốc gia, quốc tế. Kinh tế bước từ dạng giản đơn trao đổi trong các phiên chợ quê thành những bát quái trận đồ, như trận Cửu Ly Sơn đánh tan Hạng – Võ, như trận Xích Bích đánh bại Tào Tháo, với trận địa bao la, quân số muôn trùng, chiến lược siêu vượt, chiến thuật bí hiểm, bố trí như thần, ăn khớp như máy, hiệu quả y như dự đoán ban đầu v.v… Muốn quan niệm, tổ chức, điều khiển những trận vĩ đại như vậy phải có những đầu óc xuất chúng của Hàn Tín, Trương Lương, của Khổng Minh trói gà không chặt. Thiếu những đầu óc như vậy, tướng sĩ càng đông, càng mau chết như trường hợp bá vạn hùng binh của Hạng Võ, Tào Tháo.
Làm kinh tế ngày nay đòi hỏi khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và trên hết lòng yêu thương chan chứa: yêu tổ quốc, yêu xí nghiệp, yêu thành công, yêu những con người lao động trong tay mình, yêu thế hệ kế thừa mình, yêu đồng bào hưởng nhờ thành quả của mình, yêu những người gần xa tạo điều kiện, giúp đỡ mình thành công, và, tại sao không? yêu khối óc, quả tim, lá gan của mình?

*
* *

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2007

Hệ thống pháp luật như xương sống, có mạnh và thẳng, con người và quốc gia mới đứng ngay

Lâm Võ Hoàng

Pháp luật (quốc nội hay quốc tế) là sức mạnh, là xương sống nâng đỡ toàn thân của mọi tổ chức xã hội có kỷ cương. Quân đội, công an được trang bị mạnh không phải để hoạt động theo ý mình, mà có chức năng dùng sức mạnh được trang bị đó để bảo vệ sự bền vững và tính chấp hành của luật pháp. Cơ quan pháp luật có nhiệm vụ thi hành luật pháp ở hai mặt : giải quyết mọi nhu cầu thể hiện và tranh chấp của công dân và mọi nhu cầu chế tài các vi phạm luật pháp của công dân và tổ chức.

Trên hết, cơ quan tối cao thay mặt nhân dân và chế độ cầm quyền, có nhiệm vụ làm ra luật pháp bao trùm mọi mặt hoạt động, ý hướng của chế độ và nhân dân. Vì trong cụ thể và thực tiễn, sự thể muôn hình vạn trạng, cho nên tinh thần và phương pháp xây dựng luật pháp là không thể qui định từng vụ việc, mà chỉ có thể đề ra những nguyên tắc nêu lên ý nghĩa thâm sâu và những điều kiện cấu thành sự việc. Tính nguyên tắc của qui định pháp luật không có, hoặc không rõ ràng, thì chỉ dẫn tới những diễn giải, suy luận làm tổn thương uy tín của luật pháp và làm lợi cho những kẻ lợi khẩu, nói ngang.

Gần đây trên báo chí có hai vụ tranh chấp, một còn trong giai đoạn xử lý nội bộ, và một đã đưa ra hai tòa, đều gây tức ấm ách, do làm ngang, phán ngang làm thương tổn không cần thiết đến uy danh của một doanh nghiệp hạng to nhất nước và nhất là của một cơ quan tài phán cấp trên.

+ Việc đầu tiên được chuyên gia kinh tế, luật sư Nguyễn Ngọc Bích trình bày trên tuần báo Kinh tế Saigon ngày 27.9.2007, tựa đề “Cách ra quyết định trong tập đoàn”, mà người viết xin dựa vào sự kiện được nêu để góp ý như sau:

Đó là việc Pétro Việt Nam PVN, công ty mẹ (60% cổ phần) của Đạm Phú Mỹ (ĐPM) có cổ đông khác là Ngân hàng đầu tư và phát triển (nắm 5%), Ngân hàng Á châu (ACB) nắm 1% và nhiều cổ đông khác nắm phần còn lại. Trong số 60% cổ phần đó của PVN có giá trị của miếng đất 28ha, nay đã trở thành sở hữu sử dụng của ĐPM, đúng hơn của tập thể cổ đông ĐPM, ngoài ba cổ đông nêu trên còn có các cổ đông nắm số cổ phần còn lại.

Điều gây bức xúc là ông chủ tịch PVN có công văn và với tư cách công ty mẹ chỉ đạo “những đại diện của mình trong Hội đồng Quản trị ĐPM tiến hành các bước theo qui định để chuyển giao đất này cho một đơn vị khác trong tập đoàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. Việc chỉ đạo này, theo người viết, là đúng và cần thiết. Vì “chỉ đạo” không có giá trị pháp lý nào cả, nhưng lại có hiệu quả “bảo vệ” những người đại diện tuân hành ý muốn của “chủ”. Điều đáng nói là trong “các bước theo qui định”, ông Chủ tịch chăng lập lờ không nêu rõ sự “chuyển giao đất này” là hữu thường (có trả tiền nhượng lại quyền sử dụng đất) hay vô thường (không tính tiền) ? Vì nếu “hữu thường” thì bình thường, vì trong cân đối tài sản “mất đất” được bù bằng “được tiền”. Còn nếu “vô thường” thì sẽ có rắc rối, dám dẫn tới “hình sự” là làm “tẩu tán tài sản” vô cớ, với sự kiện tụng không thể tránh của các cổ đông thiểu số khác (ngoài hai tai to mặt lớn câm) của ĐPM bị thiệt hại vì sự “tẩu tán tài sản” kia làm giảm giá trị nội tại của cổ phần họ.

May thay, công ty con được chỉ đạo “nhận” lại dứt khoát không chịu nhận “của rơi từ trên trời”, nên đã không có kết thúc bi thảm mà còn có dịp cống hiến cho nền doanh nghiệp thị trường còn non nớt của ta một bài học đáng giá, nhớ đời là “mẹ con không hại nhau, nhưng của con mẹ không được rớ tới, nếu con chưa ưng thuận”.

+ Việc thứ hai được nêu trong bài “Ai hoàn trả công sức cho tôi ?” của Nguyễn Tấn trong cùng số báo “Kinh tế Saigon” nói trên, có nội dung ai oán hơn, xuất phát từ một phán quyết non nớt (vì không thể giải thích) của một Tòa cấp trên làm thiệt hại trắng tay vô cớ cho một bên gọi là bên B và làm giàu vô cớ cho bên kia gọi là bên A có thể do ai xúi dại, phủi hết mọi ơn nghĩa, kiện B ra tòa. Câu chuyện theo bài báo như sau:

“Cuối năm 2004, công ty A có trụ sở tại Tp. HCM, thông qua mạng Internet, quen được một mối ở Hàn Quốc cung cấp giàn giáo đã qua sử dụng với giá chào rất rẻ.

Tưởng ngon ăn, công ty này liền chồng tiền đặt hàng ngay cho phía nước ngoài là 25.000 USD (400 triệu VNĐ). Thế nhưng, hàng được về vài mẻ thì tắc tị và nhà cung cấp cứ lờ đi. Để đòi lại tiền, công ty A nhờ công ty B là một doanh nghiệp do một Việt kiều làm chủ, có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, kinh doanh và đại diện sở hữu công nghiệp, tư vấn giúp mình trong việc giải quyết tranh chấp.

Tháng 8.2005, hợp đồng dịch vụ tư vấn được ký kết, trong đó A ủy quyền cho B đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình, để buộc nhà cung cấp nước ngoài thực hiện hợp đồng và bồi thường các khoản thiệt hại. Hợp đồng tư vấn chỉ kết thúc và bên A chỉ thanh toán tiền tư vấn cho bên B, khi việc giải quyết tranh chấp đạt được bằng một quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền buộc nhà cung cấp nước ngoài phải thực hiện những nghĩa vụ trên. Tổng giá trị hợp đồng bên A phải trả cho bên B là 12.500 USD. Căn cứ hợp đồng, bên B đã thực hiện các công việc như tư vấn giúp A cách giải quyết tranh chấp, tiến hành các thủ tục khởi kiện. Kết quả là đến đầu năm 2006, Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã ra phán quyết buộc nhà cung cấp nước ngoài phải hoàn trả cho công ty A 25.000USD và toàn bộ phí trọng tài hơn 24 triệu đồng.

Hợp đồng tư vấn coi như đã hoàn thành. Thế nhưng, sau đó bên A bất ngờ đâm đơn kiện B ra tòa. Lý do được đưa ra là vì B chỉ có chức năng dịch vụ tư vấn nói chung mà không có chức năng dịch vụ tư vấn pháp luật. Vì vậy hợp đồng tư vấn giữa A và B là vô hiệu và B phải hoàn trả cho A số tiền dịch vụ tư vấn 9.500 USD đã thanh toán trước cho bên B… Tại phiên tòa xử sơ thẩm ngày 16.7.2007, HĐXX TAND quận 11 khẳng định : hợp đồng giữa A và B không phải là một hợp đồng dịch vụ pháp lý, mà là một hợp đồng dịch vụ tư vấn. Hợp đồng này có hiệu lực pháp luật, phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên ký kết hợp đồng và phù hợp theo các qui định của Luật thương mại. Căn cứ theo thỏa thuận tại hợp đồng, bên B đã hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với bên A, cụ thể là đã tư vấn giúp cho bên A giải quyết được tranh chấp bằng một phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành. Do đó tòa không chỉ bác yêu cầu đòi lại tiền của bên A, mà còn buộc A thanh toán hết số tiền 3.000 USD còn nợ chưa thanh toán cho B.

Án sơ thẩm bị kháng cáo. Ngày 24.9.2007, tại phiên phúc thẩm HĐXX Tòa Kinh tế TAND Tp. HCM đã cải sửa bản án với phán quyết buộc B phải hoàn trả toàn bộ 9.500 USD tiền tư vấn cho bên A, không chấp nhận yêu cầu của bên B buộc A thanh toán số tiền còn nợ chưa thanh toán 3000 USD cho B. HĐXX lập luận rằng hợp đồng giữa A và B là hợp đồng kinh tế dưới dạng dịch vụ pháp lý mà B không có chức năng trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nên hợp đồng nói trên bị vô hiệu toàn bộ”.

Rõ ràng, ghi chép lại dài dòng như trên là để thấy rõ phán quyết của TAND quận 11 nghiêm túc vững chắc trong lập luận cũng như trong kết luận, tức là đã phân biệt rạch ròi, tuy không cần giải thích rườm rà giữa hợp đồng dịch vụ pháp lýhợp đồng dịch vụ tư vấn.

Dịch vụ pháp lý (tức là đơn thuần pháp lý trước các cơ quan tài phán hoặc có nội dung pháp lý là chính) như luật sư trước tòa hoặc trước các cơ quan hành chính, đều do chính bản thân luật sư thực hiện, thay mặt cho thân chủ. Như vậy sẽ rất thuyết phục nếu cho bên B không có chức năng thực hiện dịch vụ pháp lý.

Còn dịch vụ tư vấn có thể bao gồm nhiều loại hình dịch vụ, không loại trừ dịch vụ pháp lý dưới dạng tư vấn (chỉ cách khởi kiện, làm đơn giùm để thân chủ ký tên. Mặt khác, với tư cách đại diện ủy quyền của thân chủ, nhà tư vấn có đủ tư cách tiếp xúc, thương thảo với mọi đối tác, kể cả hành chánh, trừ đối tác tài phán như nói trên.

Trong lĩnh vực này, thành công của bên B đem lại cho bên A là do tài năng chuyên nghiệp của tư vấn thông hiểu luật lệ, cách làm của Việt Nam lẫn quốc tế. Chỉ bằng cung cách quốc tế, nắm được luật pháp của Việt Nam cũng như của Hàn Quốc và thông tục quốc tế mà bên B mới có thể, “tiên lễ hậu binh”, siết chặt vòng vây pháp lý chung quanh đối tác Hàn Quốc, dẫn đến phán quyết trọng tài quốc tế có hiệu lực thi hành trên thế giới và sẽ khiến cho đối tác Hàn Quốc phải “lương thiện” trở lại. Cái khôn khéo của bên B là vận dụng sức mạnh của Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam, chớ không phải của tòa án Việt Nam. Như vậy bên B xứng đáng hưởng tiền tư vấn 12.500 USD.

So bản án phúc thẩm với bản án sơ thẩm, ta không khỏi buồn thấy cấp trên, do không giải thích được cơ sở pháp lý của phán quyết khiên cưỡng của mình, nêu ra một phán quyết kỳ cục là một đằng làm trắng tay kẻ có công trạng mà tòa không thể phủ định, mặt khác, làm giàu vô cớ cho kẻ vong ân bội nghĩa, trơ trẽn nuốt lời hứa, đã không mất Huyền Trân mà còn được hai châu Ô Lý. Hơn thế nữa, tòa đã làm cái mà thông tục pháp lý thế giới đều kiêng kỵ và luôn trấn áp, đó là tội phạm “làm giàu không căn cứ” (enrichissement sans cause). Vì vậy đã đến lúc ta coi lại xương sống của ta, tức là hệ thống pháp luật, pháp lý của ta, có thoát vị bẹn, hay thoát vị đĩa đệm không, để sớm sửa chữa.

Công Giáo Và Dân Tộc số 1629

Ai ơi, dân ta còn lắm kẻ nghèo!

Lâm Võ Hoàng

Sau hơn hai mươi năm đổi mới, nước ta, nhờ đầu tư nước ngoài, đã phát triển khả quan, nhưng chậm chạp, và nhứt là chưa đúng bài bản đồng bộ như những nước trước đây so với Việt Nam, tuy còn chiến tranh, nhưng vẫn chưa thể so kè. Nay thì họ với ta đã khác xa lắm lắm, như Hàn Quốc chẳng hạn, ở những năm đầu 1960.

Chẳng có gì thần kỳ cả. Chẳng qua họ thấy được con đường gian khổ phải trải qua, và cả nước phải cắn răng, nuốt lệ, thực hiện cho kỳ được “bốn mục tiêu quốc gia” (Hàn Quốc) mà cứ hỏi bất cứ trẻ em nào đều trả bài ron rót. Nhờ đó họ sớm trở thành cường quốc kinh tế hồi nào không hay. Trong khi đó Việt Nam, sau chiến thắng còn lây quây trong đủ thứ vấn đề gai góc, sau đó phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ lần hồi từng mối, mỗi khi phát hiện, mà vẫn chưa biết chừng nào mới có một “đồng bộ”, để có đủ khí thế tiến lên phát triển chắc chắn bền vững?

Nói tới đây, chắc không khỏi bị quở chuyên nói tốt cho người. Nhưng lấy công tâm mà nhớ lại, trên tivi thường chiếu cảnh Palestin, Irắc tang tóc đau thương, xe bom, trọng pháo làm người chết, nhà cháy, nhưng đường sá của họ phẳng lì sạch bóng, các vạch tuyến còn mới tinh, đèn đường không thấy đứt một bóng. Còn ta không bom, không pháo, sao đường sá đầy lỗ hang, rác rưởi, xà bần quá xá !

Trong tình hình phát triển nước ta còn nhiều tự phát, ai giỏi chạy, giỏi làm toán chia có nhiều “cô bác bạn bè” thì phất lên, nhiều khi đột ngột không ai biết nguồn gốc “núi tiền” của họ ở đâu ra. Mặt khác, cách thu thuế của ta hơn ba mươi năm qua, vẫn chưa nên hình nên tướng, chỉ biết dùng hăm dọa làm khó là chính, trình độ không khác thời thánh Mátthêu còn tại vị, nên chưa thể hiện vai trò kinh tế – tài chánh điều hòa thu nhập quốc gia, nắm vững thu nhập, chi tiêu từng tổ chức, cá nhân. Từ đó, tạo một tầng lớp người trung lưu không đóng thuế, hoặc rất ít, nhưng lại tiêu xài như nước (bổ dưỡng, chăm sóc, thời trang, nội thất, giải trí, ăn uống, bồ bịch, bôi trơn, lo lót, tiêu dùng từ sang đến cực sang…), phần đông gồm những người có chức quyền, hoặc hành nghề tự do. Họ và con cái lớn lên của họ, đều có nhà cửa đàng hoàng, tự nuôi thân, và vợ con rất đầy đủ, no ấm, toàn ăn bổ dưỡng, mặc sang trọng còn hơn vợ con Mỹ hoặc chạy trường cho con mấy ngàn đô cũng không tiếc.

Chính cách sống thường ngày của họ cách xa với những người tay làm hàm nhai, tay lấm chân bùn, khiến cho nhà nước và nhân viên nhà nước tưởng ai cũng như mình, cần gì có nấy, thậm chí không cần cũng có (người dâng), cho nên từ tháp ngà dễ dàng “đẻ” ra cho toàn dân nhiều chánh sách, quy định xa rời thực tế, khiến cho ai nấy, ngoài tầng lớp của họ, phải ứ hự, kêu trời, như trong ba trường hợp trước mắt như sau là : học phí, đồng phục và mũ bảo hiểm.

Học phí

Năm 1938, tôi vào học lớp đồng ấu (lớp 1) trường làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, cho tới lớp triết, cuối cấp trung học, trường Chasseloup Laubat (của Pháp) mà không tốn một đồng nào của cha mẹ. Đã vậy từ suốt học trình như trên, mỗi năm trường đều cho mượn sách giáo khoa đầy đủ, tới bãi trường mới trả lại. Tôi còn nhớ anh Nguyễn Hữu Khánh cũng học Chasseloup, sau làm báo Tuổi Trẻ, trước khi vô khu với anh Nguyễn Điền, đã đĩnh đạc bưng chồng sách đem lên phòng giám thị xin nghỉ học và trả sách. Tây biết, nhưng không muốn lôi thôi, nên không hỏi gì hết. Sau lên đại học Sài Gòn, còn do Pháp quản lý, tiền ghi danh lớp tiến sĩ là 300 đồng/ học kỳ, trong khi tôi đi làm gia sư được trả 2.000 đồng/tháng.

Rồi bây giờ, mức học phí tuy đã khá nặng, nhưng chịu riết bấy lâu nay, da cổ đã chai, nên còn chịu đựng được, nay bỗng nhiên nhà nước đòi tăng học phí rất cao. Trên báo có một vài phản ứng, nhưng hầu như chìm dần. Phải chăng vì không còn ai đấu tranh chống tăng học phí, hay vì phản ứng này thiếu chánh nghĩa?

May là nhà nước, vì lợi ích của mở cửa và hội nhập, vẫn còn khả năng lắng nghe tiếng thở than âm thầm của người dân, cho nên đích thân Thủ tướng Chính phủ đã đề ra chính sách không để người trẻ nào bỏ lớp thất học, chỉ vì thiếu tiền đóng trước hai tháng học phí, và lập quỹ cho học sinh nghèo vay trả học phí.

Đây là quan tâm và từ tâm đối với những tài năng vì mắc kẹt cái nghèo mà đâm ra thất thế, nhưng tính khả thi của đề án lập quỹ cho vay đóng học phí xem ra ít sáng sủa vì thông thường “có thóc mới cho mượn gạo”. Ở đây đã không có khả năng đóng học phí trong hiện tại và tương lai thì lấy đâu mà trả nợ vay ? Giải pháp tốt nhất là “nuôi” họ học thành tài, rồi bắt họ làm việc cho nhà nước, rồi trừ tiền vay lần hồi vào lương. Như vậy hai bên đều có lợi : họ được bảo đảm có việc làm và nhà nước nắm được “quỹ” nhân tài, tha hồ đưa họ đi phục vụ mấy chỗ hóc bà tó để đóng góp phát triển nó. Thậm chí, khi họ học giỏi thành tài, thiếu gì nhà giàu có con gái muốn gả sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra “chuộc” họ, hoặc doanh nghiệp, có tầm nhìn cũng bỏ tiền ra như vậy, thế là nhà nước tha hồ tính tiền lời như ngân hàng, khiến cho “quỹ” sẽ nở nồi.

Bàn như trên là chưa đi sâu vào thực chất vấn đề. Quả thật vậy, cho vay như thế là nhà nước cho vay tay mặt, rồi tay trái lấy lại (thu học phí) mà lại được tiếng thơm “của người phúc ta”. Tức là họ đi học bằng tiền (vay và trả lại) của họ, chớ có phải bằng tiền nhà nước, như học bổng đâu! Ơn nghĩa, nếu có, là do chút “miếng khi đói bằng gói khi no” thôi, muốn tính hay “xù” đều được cả, bởi Hàn Tín dù chỉ ăn bát cơm nguội lúc hàn vi, đã đến dâng một ngàn lạng vàng cho Phiếu mẫu vài năm sau đó. Khi trở thành nguyên soái được “đăng đàn bái tưởng” của Lưu Bang, chỉ nghiêng mình chút xíu trước tên mặt tái, xấu tướng, mà dựng nên cơ đồ nhà Hán lẫy lừng nhứt của Trung Quốc. Rõ ràng làm gì đôi bên cũng đều có lợi.

Thế thì thực chất vấn đề là gì ? Nhà nước tạo điều kiện cho dân học hành tới nơi tới chốn, trước nhứt vì lợi ích của chính mình, không thể sống mãi để cai trị dân nước mà mình hoặc tổ tiên mình phải tốn hao mọi mặt, với số lượng kinh hồn, mới chiếm được.

Ngược lại người dân muốn tồn tại, phải hy sinh đóng góp chi phí nuôi bộ máy nhà nước, ở thôn quê thì gồm 30 khoản, học sinh thì 13 khoản, dù cỡ lớp 6 cũng lên tới bạc triệu, chưa kể lớp 10 “vừa tựu trường đã đóng 200.000đ học hè” (Tuổi Trẻ 12.9).

Còn nhà nước muốn tồn tại phải có công dân của nước mình là công dân có học hành, tri thức đàng hoàng đầy đủ để tham gia bộ máy nhà nước. Chứ không lẽ nhà nước sẽ phải mướn người nước ngoài tham gia bộ máy nhà nước, để cai trị dân mình như các đội banh thuê các “ngoại binh” ?

Như vậy lẽ ra nhà nước ta phải lấy tiền thuế nuôi mầm non, gầy dựng lớp kế thừa có học của mình và cho mình. Bởi việc học hành của họ đâu chỉ lợi ích cho riêng bản thân họ ? Ta đã hiểu sao về tư tưởng “trồng người” của Bác Hồ?

Đồng phục

Đồng phục học sinh là một chủ trương lớn của quốc gia, cho nên phải để Bộ Giáo dục quy định chung cho cả nước, cho mỗi cấp. Mục đích yêu cầu của đồng phục là sạch sẽ, giản dị trong kiểu cách, thể hiện nét văn hóa quốc gia. Đồng phục minh thị một bộ phận của xã hội và đòi hỏi người mặc nêu cao ý thức trách nhiệm gây cảm tình, tạo sự tôn trọng của người khác.

Đối với nước nghèo, đồng phục (đủ để thay đổi) là một tảng đá không nhỏ bỏ thêm vào gánh nặng chi phí của gia đình. Do đó, vẫn có thể thay bằng một huy hiệu nào đó là đủ. Đồng phục phải tiện gọn, thanh nhã như thế nào đó, để có thể dùng trong nhiều dịp khác : ra đường, lại nhà người khác, đi ăn giỗ, đám cưới thì càng tăng thêm nét trẻ, có học, cho đám đông. Đồng phục kỵ nhất là lòe loẹt, gây phản cảm.

Thế nhưng mới đây một số trường bày đặt ra kiểu mới đồng phục cho mình, với một số chi tiết rườm rà, để không giống ai và có thông báo trước mỗi năm mỗi đổi chi tiết màu sắc để chỉ có đồng phục của trường kinh doanh mới hợp lệ. Thật là tệ !

Từ lâu lắm cho tới gần đây hình như đồng phục học sinh nam là quần dài xanh đậm, áo sơ mi trắng, có thêu tên họ và tên trường và nữ sinh là áo dài trắng, tất cả trông rất phù hợp. Còn sinh viên và học sinh cấp 3 hình như được mặc tự do, miễn là không gai mắt. Tôi thấy đồng phục như bấy lâu nay, đã quen mắt mọi người, cho nên có thể coi là truyền thống, như sinh viên, học sinh Nhật mặc đồng phục kiểu áo đại cán của mình có lẽ từ thời Minh Trị duy tân. Do vậy, nếu Bộ quy định cho cả nước đồng phục đã quen mắt thì nên cấm các trường không được bày vẽ để kinh doanh đồng phục cho học sinh mình.

Mũ bảo hiểm (MBH)

Hổm rày báo chí đã nói nhiều rồi và sẽ còn nói tiếp nữa, vì đây là một vấn đề quan trọng cho cả nước, đặc biệt đối với dân nghèo cho nên tôi chỉ đóng góp theo suy nghĩ độc lập của mình. Đó là :

- Khi nói MBH an toàn hơn mũ bảo hộ lao động (MBHLĐ), như một lãnh đạo phụ trách an toàn giao thông tuyên bố, mà không có trình bày cơ sở khoa học nào hết, thì sẽ thiếu tính chất thuyết phục. Vì MBHLĐ là chất nhựa cứng khá dầy, bên trong có một hệ thống mũ ôm trọn cái đầu, từ trán ra sau ót, bằng dây nhựa dẻo to bản, có khoảng cách gần 2 phân với mũ nhựa cứng, để cho mát đầu và giữ không cho đầu tiếp xúc trực tiếp với mũ cứng, như một cái giảm chấn. Duy chỉ có bộ dây hình chữ Y, giữ chặt mũ dính với cằm là còn thô sơ, cho nên các thợ điện, thợ hồ ít khi quàng xuống cằm làm cho mũ dễ rơi khỏi đầu. Như vậy dù đội MBH mà không thắt dây quai cằm, thì rủi có gì, cả hai mũ đều rơi ra như nhau; nếu thay bộ dây cằm, thì với MBHLĐ té xuống đất, từ độ cao ngồi trên yên xe, có lẽ chưa đến nỗi nào, ít ra cũng hiệu quả hơn MBH “bánh tráng” là hàng giả đang bán nhan nhản trên thị trường.

Tóm lại, chưa có thử nghiệm khoa học – kỹ thuật, xin chớ vội mê tín, rồi võ đoán cho MBH an toàn hơn MBHLĐ. Khiến cho không mắc mớ gì mà bắt đồng bào giàu, nghèo của mình xúm lại mua MBH mà theo báo Tuổi Trẻ đã đẫn có đến 75% không đạt yêu cầu, tức là dỏm, là bánh tráng nướng không hơn không kém.

Vì vậy, người viết xin đề nghị cơ quan, cán bộ đặc trách tạo điều kiện cho dân nghèo thôn quê, thành thị chấp hành luật pháp bằng cách cho đội MBHLĐ rẻ tiền hơn, thực ra là một loại MBH tránh tai nạn ở trên cao, một thời gian để thử nghiệm và rút bài học cho mọi người, có trách nhiệm, hay nạn nhân, cho tới khi tìm được giải pháp tối ưu, có sức thuyết phục mọi người. Vì ai ơi, dân ta còn lắm kẻ nghèo, rất muốn tuân hành luật pháp, nhưng đỡ đồng nào hay đồng đó.

(Báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1624)