Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007

Con có mến thầy không? Hãy làm kinh tế tốt.

Đói và nghèo, cũng như xóa đói giảm nghèo không chỉ là vấn đề đặt riêng cho thành phố ta, cũng không phải là của riêng nước ta, mà của toàn thế giới, ngay ở tại Nữu Ước. Mức độ đói và nghèo về mặt khách quan, có khác nhau giữa người đói và nghèo ở Phi Châu và ở phương Tây, nhưng về mặt chủ quan, đói và nghèo ở bất cứ đâu, đều được cảm nhận bởi một sự thống khổ như nhau. Giữa người đói và nghèo ở Châu Á và người nghèo ở châu Au, sự tương phản có thể gần như toàn diện giữa người hầu như “trần truồng” và người “hình như khá giả” có đầy đủ trên mình những thứ cần thiết cho người lành lặn: áo quần, giày dép v.v… Nhưng người đói nghèo ở A châu, như ta thường gặp ở nước ta, thành phố ta, dù sao cũng còn có nụ cười trên môi, còn có niềm hy vọng vào quy luật sống: “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”, vào sự bố thí giúp đỡ của người qua đường, của những người từ bé đã được nung đúc truyền thống nhân ái của dân tộc như trong lời Gia huấn ca của Nguyễn Trãi:
“Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà,
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng : “Đây cần kiệm, gọi là làm duyên”.
Nay ta ở chốn bình yên,
Còn người nghèo khó, chẳng nên cầm lòng.
Tiếng rằng ngày đói, tháng đông,
Thương người bớt miệng bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”.
Khác với sự tuyệt vọng của những “người nghèo mới” vào ngày mai, vào sự tương thân tương ái của một xã hội thành đồng vách sắt, tổ chức siêu hợp lý, siêu hiệu năng, không có chỗ đứng, đúng hơn, dành chỗ đứng ngoài lề, cho người thất thế.
Nhưng biết sao? Mỗi thời đại là một đoạn đường mà nhân loại phải trải qua, dù cho phải đau đớn rời bỏ bóng dâm mát bên bờ ao lặng lẽ nơi làng quê, để đi tới những cao ốc chọc trời, trong những khu phố không có cây cối, thậm chí, ánh sáng mặt trời (qua giờ đúng ngọ). Ngay cả người da đỏ ở châu Mỹ cũng phải cố gắng đi tới như vậy, để khỏi bị âm thầm tiêu diệt bởi luật đào thải tự nhiên. Mỗi thời đại có cái khắc nghiệt riêng của nó. Nhưng khắc nghiệt đó là cái giá phải trả để hưởng cái hương vị ngọt bùi của tiến bộ vật chất, theo cái lôgic của định mệnh đã dành sẵn cho con người là người chủ thụ hưởng vạn vật trên trái đất, trong vũ trụ.
*
* *
Khám phá, tìm hiểu, nắm bắt lãnh địa của mình, con người phải khai thác để hưởng dụng, hưởng dụng chung, hiện thực hoá lời hứa ngày xưa của Thiên Chúa với giòng giống Abraham, đại biểu của nhân loại ngày nay. Đó là vai trò của khoa học kinh tế và kỹ thuật kinh doanh, cũng như của những nhà khoa học kinh tế, những nhà lãnh đạo kinh tế chính trị và những thủ lĩnh kinh doanh, mà thời đại đã cơ hồ biến thành một loại mục tử chăn chiên mới. Không đối kháng và đi cùng hướng, cùng bước, đồng thời có tác động qua lại, với các mục tử chăn chiên “thủ kho” của sự thánh trong trần gian.
Hơn bao giờ hết, chữ “kinh tế” bao hàm ý nghĩa gốc “kinh bang tế thế” và “nhà kinh tế” có vai trò “thế thiên hành đạo” rõ nét như ngày nay. Kinh tế ngày nay có chiều kích vừa cộng đồng vừa quốc gia, quốc tế. Kinh tế bước từ dạng giản đơn trao đổi trong các phiên chợ quê thành những bát quái trận đồ, như trận Cửu Ly Sơn đánh tan Hạng – Võ, như trận Xích Bích đánh bại Tào Tháo, với trận địa bao la, quân số muôn trùng, chiến lược siêu vượt, chiến thuật bí hiểm, bố trí như thần, ăn khớp như máy, hiệu quả y như dự đoán ban đầu v.v… Muốn quan niệm, tổ chức, điều khiển những trận vĩ đại như vậy phải có những đầu óc xuất chúng của Hàn Tín, Trương Lương, của Khổng Minh trói gà không chặt. Thiếu những đầu óc như vậy, tướng sĩ càng đông, càng mau chết như trường hợp bá vạn hùng binh của Hạng Võ, Tào Tháo.
Làm kinh tế ngày nay đòi hỏi khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật và trên hết lòng yêu thương chan chứa: yêu tổ quốc, yêu xí nghiệp, yêu thành công, yêu những con người lao động trong tay mình, yêu thế hệ kế thừa mình, yêu đồng bào hưởng nhờ thành quả của mình, yêu những người gần xa tạo điều kiện, giúp đỡ mình thành công, và, tại sao không? yêu khối óc, quả tim, lá gan của mình?

*
* *

Không có nhận xét nào: